Phát triển: Grinding Gear Games
Phát hành: Grinding Gear Games
Hệ máy: PC
Khi đồng nghiệp thấy tôi chơi Path of Exile, họ thường hỏi sao giờ này còn chơi Diablo! Không thể trách họ được! Mới nhìn qua, Path of Exile giống hệt tựa game kinh điển của Blizzard, với một công thức chiến đấu- nhặt đồ- cộng tác hoàn toàn tương tự. Tuy vậy, một số cải tiến đã thật sự giúp trò chơi thoát khỏi cái bóng của “người tiền nhiệm”.
Khởi đầu, Path of Exile “ném” cho bạn một đống thứ với rất ít chỉ dẫn. Những biểu tượng nhỏ xíu trên giao diện người dùng, hệ thống cây kỹ năng khổng lồ gợi nhớ Sphere Grid của Final Fantasy X có thể làm bạn “tá hỏa” ngay cả khi chưa thu nhỏ để thấy được sự đồ sộ của nó. Một trải nghiệm thật sự không thân thiện với “lính mới” chút nào! Nhưng bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng nếu chịu bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu chiều sâu và độ phức tạp của nó.
Khi tôi tưởng mình đã nắm bắt được thì một bất ngờ nữa lại đến khi tôi nhận ra nhân vật của mình không phải đang lượm tiền. Bạn không thu được vàng từ những quái vật đã hạ - chỉ có chiến lợi phẩm, và đó chính là tiền tệ trong thế giới này. Một hệ thống trao đổi hàng hóa như thời... nguyên thủy! Thay vì mua đồ từ shop và những người chơi khác, bạn phải trao đổi chiến lợi phẩm. Một hệ thống lạ lùng và không quen thuộc, nhưng lại có vẻ hiệu quả. Ý tưởng này nhằm ngăn chặn tình trạng lạm phát không đáng có. Thêm nữa, nó cũng thêm một chút thực tế vào một thế giới giả tưởng – một điều mà tôi rất thích!
Path of Exile cũng thử mang lại sự mới lạ với những kỹ năng đặc biệt của nó. Phần lớn trong cây kỹ năng khổng lồ là những chiêu thức bị động, như tăng máu hay dam. Những kỹ năng chủ động hơn, như bắn cầu lửa, đến từ cách bạn tùy biến trang bị. Những loại tinh thể đặc biệt khi được khảm vào vũ khí hay trang bị sẽ mở khóa những khả năng mới, và có thể gỡ chúng ra hay đem trao đổi mà không bị bất lợi gì. Tuy vậy, không phải tinh thể nào cũng hợp với mọi loại vũ khí, vì vậy bạn phải cân nhắc lợi hại của việc đổi trang bị mới. Việc này lại thêm một chút lựa chọn thú vị vào phần quản lý đồ dùng.
Phần chiến đấu rất quen thuộc với những ai đã kinh qua Diablo hay Torchlight. Trên hành trình của bạn qua lục địa Wraeclast, lẩn tránh quá khứ tội lỗi và lập đội với nhiều người chơi khác để sinh tồn, bạn sẽ “trỏ và nhấn” vô vàn quái vật. Kỹ năng đặc biệt được gán vào ba nút chuột và năm phím keyboard, cho phép bạn tiếp cận những chiêu thức hữu ích bất kì lúc nào. Hệ thống này giúp bạn tung ra một “cơn mưa” phép vào một bầy những con quái nguy hiểm mà không phải “đào bới” qua nhiều menu.
Bạn có thể chơi toàn bộ game một mình, nhưng trò chơi cần người chơi phải online. Bạn có thể bỏ qua những người chơi khác xung quanh khi nhận nhiệm vụ và thực hiện giao dịch nếu đang muốn tìm một trải nghiệm chơi đơn. Còn nếu bạn muốn cộng tác, tất cả những gì cần làm là để mắt đến bảng thông báo. Tất cả những người chơi đang cần “party” với level cụ thể đều được thể hiện đầy đủ. Path of Exile làm cho việc “co-op” trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Có lẽ điểm ấn tượng nhất của Path of Exile là mô hình chơi miễn phí (free to play), những chiêu “làm tiền” của nó lại không làm phiền bạn. Bạn có thể bỏ tiền thật để mua thêm chỗ trong túi đồ hay thay đổi ngoại hình. Ngoài ra, tôi không hề thấy một cửa sổ pop-up hay cái gì đó tương tự như vậy nhắc bạn “hãy bỏ tiền vào game đi”.
Kết luận
Hệ thống chiến đấu và chức năng thu nhặt chiến lợi phẩm của Path of Exile giống hệt những trò chơi cùng thể loại, nhưng những cải tiến có tác dụng lớn của nó đã giúp nó tách biệt với những đối thủ. Có lẽ “tuổi thọ” của chế độ multi vẫn còn khó đoán, nhưng với vai trò là một game nhập vai hành động, Path of Exile đã thành công.
Điểm: 8/10
Theo GameInformer