Edward Kenway không giống những người hùng trước trong Assassin’s Creed! Trong khi họ theo đuổi những thứ trừu tượng như công lý, tự do và sự báo thù, động lực của Edward thực dụng hơn nhiều: những đồng tiền vàng, càng nhiều càng tốt! Anh ta áp dụng rất thành công câu châm ngôn của giới sát thủ (mặc dù chỉ là một nửa của nó): “Everything is permitted” – tức là bất chấp thủ đoạn, “giết người phóng hỏa” vì lợi ích cá nhân của mình. Cách Edward “dâng hiến” đời mình cho nghiệp “hải tặc” đã tạo nên một chuyến phiêu lưu trên biển độc đáo và hấp dẫn.
Assassin Creed IV: Black Flag đã thay thế những nhà thờ cao chót vót và và thiên nhiên hoang dã trong phiên bản trước bằng những căn chòi cũ nát và những vùng biển lạ ít người đặt chân tới. Bối cảnh mới, với đầy các nhân vật lịch sử và một loạt các địa điểm bí ẩn để khám phá ở vùng biển Ca-ri-bê, thật sự rất phù hợp với dòng game. Hoạt động lái tàu đã quay lại từ Assassin Creed III, nhưng lần này đóng vai trò trung tâm thay vì bên lề như trước. Hầu như mọi thứ bạn làm như tìm kiếm kho báu bí mật, tấn công hạm đội hải quân, cướp kho hàng... đều mang lại tiền của để rót vào việc nâng cấp tàu cho Edward. Khi con tàu trở nên tốt hơn, bạn có thể đi thuyền đến các khu vực còn nguy hiểm hơn (và cũng... kiếm chác được nhiều hơn) để tiếp tục nghiệp cướp biển. Vòng lặp này làm cho tôi muốn khám phá mọi ngóc ngách của bản đồ, vì công lao của bạn lúc nào cũng được tưởng thưởng xứng đáng. Cảm giác “làm trùm” trên một con tàu được trang bị “tận răng”, thật sự rất thỏa mãn!
Bạn sẽ thấy rất tuyệt khi chứng kiến con tàu của mình trở nên “dữ dằn” hơn. Tôi ước gì có nhiều cách để kiếm đồ nâng cấp. Tiền thì không thiếu, nhưng các vật liệu khác như vải, kim loại và gỗ cũng cần được thu thập. Bạn không thể mua các mặt hàng này, do đó, cách chính để có được chúng là cướp bóc tàu khác bằng cách tràn lên tàu của họ (thay vì phá hủy chúng) để ăn cắp tài nguyên. Vấn đề là quá trình này nhanh chóng trở nên nhàm chán! Tôi phải lên 100 tàu, và nó diễn ra theo cùng một cách mỗi lần. Thật tốn thời gian và nhàm chán! Nhưng là một bước cần thiết nếu bạn muốn tàu của bạn có cơ hội sống sót trong những cuộc chạm trán khó khăn hơn sau này.
Việc điều khiển tàu đã được cải thiện đáng kể, với những tinh chỉnh làm cho các tùy chọn tấn công trở nên dễ dàng hơn. Vũ khí mà bạn khai hỏa được quyết định bởi hướng camera. Nhìn sang một bên có nghĩa là những khẩu pháo mạn tàu đang hoạt động, trong khi nhìn ra sau lưng nghĩa là các thùng lửa đã sẵn sàng để thả. Cách điều khiển này rất tuyệt khi bạn chỉ phải chống lại một, hai tàu đối phương, nhưng sẽ bất tiện khi chiến trường bắt đầu trở nên hỗn loạn. Bởi vì bạn không thể tấn công theo một hướng và nhìn theo một hướng, nên việc bao quát chiến trường trở nên khó khăn. Trong một cuộc chiến có liên quan đến tấn công một pháo đài, đồng thời phải chống đỡ tàu tấn công hoặc sống sót trước một cơn bão nhanh chóng trở thành một mớ hỗn độn. Rất may, những trận chiến như vậy rất hiếm, hầu hết thời gian của bạn trên mặt nước được dành để đi đến các địa điểm và tấn công bất kỳ con tàu nào “xấu số” lọt vào tầm ngắm.
Lúc bạn ở trên bờ thì mọi thứ khá quen thuộc! Edward vẫn leo trèo, đâm chém và bắn như những người “tiền nhiệm”. Anh ta thu thập các món đồ nằm rải rác khắp các hòn đảo, làm những hoạt động phụ (bạn nhớ hoàn thành năm "Templar Hunt" để lấy một bộ giáp đỉnh nhé), và chế tạo các món đồ cùng trang phục mới. Các hoạt động này khá thú vị đến nỗi có thể khiến bạn quên đi việc làm nhiệp vụ. Nhắc đến sự đa dạng thì Black Flag là một nỗi thất vọng: các nhiệm vụ chính đều giống nhau, các nhiệm vụ "theo đuôi bọn lính" và "nghe trộm cuộc đàm thoại" cứ lặp đi lặp lại. Tôi thích các nhiệm vụ có kịch bản hấp dẫn hay các phi vụ ám sát, nhưng so với những miêu tiêu nhàm chán trên thì chúng quá ít ỏi.
Cốt truyện cũng không khá hơn hệ thống nhiệm vụ là mấy. Nỗi ám ảnh của Edward với tiền bạc và việc thiếu niềm tin cá nhân là một phần tính cách nhân vật, nhưng những đặc điểm này làm cho tình tiết của game “nhảy” khá tùy tiện. Chẳng hạn, ngoài mục tiêu là tìm một khu cổ địa gọi là Observatory, Edward không có bất kỳ lòng trung thành, mục đích, hay một nhân vật phản diện hấp dẫn nào. Bạn bè của anh ta trong nhiệm vụ này có thể là kẻ thù trong nhiệm vụ khác, nhưng quá trình chuyển đổi là đột ngột và được giải thích nghèo nàn. Chỉ một vài nhân vật phụ là đáng nhớ (như Blackbeard), làm cho bạn phải tự hỏi tại sao bạn nên quan tâm đến những sự kiện mà họ tiết lộ.
Bên ngoài câu chuyện của Edward trong Animus, cuộc sống vẫn tiếp diễn trong hiện tại sau các sự kiện trong Assassin's Creed III. Bạn điều khiển một nhân viên mã hóa được tuyển dụng bởi công ty giải trí Abstergo, nhưng đừng mong đợi bất kỳ sự phát triển đáng kể nào về cốt truyện. Lối chơi thậm chí còn tồi tệ hơn, khi bạn đi lang thang trong văn phòng và hầu như chỉ làm việc với những mini game hacking nửa vời. May là hầu hết trong số đó đều là tùy chọn, và tôi thật mừng vì được sớm quay lại Animus.
Kết luận
Mặc cho các vấn đề kể trên, Assassin’s Creed 4 Black Flag vẫn là một game rất thú vị, nếu bạn để những cảm xúc của mình dẫn đường. Dù là săn bắt động vật hoang dã hay khai quật những di tích của người Maya, trò chơi “phục vụ” người chơi rất tận tình với vô vàn những hoạt động lý thú. Bạn khó lòng đi từ A đến B mà không ghé qua thăm thú một vài nơi dọc đường. Nhìn chung, nó hay hơn Assassin’s Creed 3 về tổng thể. Một số yếu tố trong trò chơi dường như được chỉnh sửa trực tiếp dựa trên những phản hồi của người chơi trong bản trước. Mặc dù còn nhiều lỗi vụn vặt cũng như trồi sụt khung hình, cốt truyện rời rạc và nhiệm vụ lặp lại, Assassin’s Creed 4 Black Flag vẫn là một chuyến hải hành hấp dẫn không thể bỏ qua.
Điểm: 8.25/10
Theo GameInformer