1 Hệ thống Karma
Đây tính là tính năng cho phép người chơi đánh giá đồng đội của mình khi kết thúc trận đấu. Tùy theo số điểm tiêu cực mà sẽ có một số hình phạt khác nhau được đưa ra để hạn chế tình trạng phá game. Ban đầu, người chơi bị than phiền sẽ bị giảm phần thưởng từ trận đấu hoặc không có phần thưởng nào nếu vẫn cố tình tái phạm. Ở mức nặng hơn, hình phạt sẽ là cấm chat, bị đuổi khỏi phòng hoặc cấm chơi trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.
Tuy nhiên hiệu quả của tính năng Karma hiện vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Bởi nếu hoạt động lỏng lẻo, nó sẽ bỏ qua rất nhiều trường hợp cần phải trừng phạt và dễ dàng gây ức chế cho game thủ chân chính. Trái lại, nếu quá nghiêm khắc thì lại làm phát sinh tình trạng lợi dụng Karma để vu khống cho người khác. Dẫu sao, sự xuất hiện của hệ thống Karma cũng làm chúng ta vững tâm hơn về một môi trường game trong sạch và lành mạnh, không bị quấy phá bởi các phần tử “troll”.
2 Không còn phải tranh giành hoặc nhường last hit
Trong các game MOBA hiện nay, việc farm quái luôn được ưu tiên cho vị trí tướng chính, người sẽ đảm nhận trọng trách gây sát thương lên đội hình quân địch hòng sớm có được các món trang bị cần thiết. Đây là một phương án chiến thuật, nhưng nó lại dẫn đến thực trạng là các vị trí còn lại trong đội hình thường phải rất khổ sở để lên đồ, ví dụ như tướng hỗ trợ khi không được phép last hit. Do đó, Strife đã thay đổi xu hướng này để tạo ra một lối chơi mới có tính gắn kết cao hơn giữa những thành viên trong đội. Cụ thể mỗi khi last hit hoặc giết tướng thành công thì cả bạn và đồng đội đều nhận được một khoản tiền tương đương nhau. Vì vậy chuyện ai last hit sẽ không còn quan trọng nữa. Từ đây, sự phát triển giữa các vị trí sẽ trở nên đồng đều hơn, bản thân tướng hỗ trợ cũng có cơ hội lên đồ tốt hơn và tướng chính, trong trường hợp bị ép đường đến không thể last hit thì tỉ lệ “thọt” cũng thấp hơn.
3 Hệ thống kiểm soát tầm nhìn mới
Việc mua mắt rồi đi cắm khắp bản đồ sẽ không còn tồn tại trong Strife. Thay vào đó trên bản đồ sẽ có những chòi canh. Và nhiệm vụ của hai phe là cố gắng chiếm lấy chúng để giành tầm nhìn bao quát của khu vực trong một khoảng thời gian nhất định. Thực tế loại bỏ thao tác cắm mắt sẽ giúp nhẹ gánh cho vị trí tướng hỗ trợ và tạo điều kiện để họ mua sắm trang bị cần thiết để cảm thấy tự tin khi giao tranh hơn.
4 Bản đồ nhỏ hơn
Bản đồ của Strife có kích thước nhỏ hơn một số game MOBA hiện nay nhưng vẫn giữ bố cục 3 lane quen thuộc. Người chơi sẽ gia nhập vào một trong hai phe Glory hoặc Valor, cố gắng farm quái, giết tướng hoặc săn lùng các bãi quái rừng để lên đồ, tạo ra sức ép để hoàn thành mục tiêu sau cùng là phá hủy nhà chính của đối phương. Theo NSX S2 Games, việc gia giảm kích thước bản đồ nhằm đẩy mạnh nhịp độ trận đấu, khuyến khích các pha đảo đường hay gank liên tục chứ không hề cổ xúy cho lối đánh thụ động, chỉ biết cắm đầu vào farm.
5 Số lượng hero rất ít
Với DotA, Heroes of Newerth hay Liên Minh Huyền Thoại, con số hero mà người chơi có thể chọn đã vượt quá ngưỡng 100. Tuy nhiên Strife đã đi ngược lại đường lối ấy khi cung cấp lượng hero vô cùng ít ỏi, hiện tại chỉ mới dừng lại ở con số 13. Lý giải cho điều này, phía NSX cho rằng Strife không hoạt động theo hình thức mở khóa hero, nghĩa là bạn phải có đủ số lượng điểm thưởng hoặc nạp tiền để được phép sử dụng mà sẽ miễn phí hoàn toàn, vì vậy liên tục cho ra mắt hero mới là điều không cần thiết.
Bên cạnh đó mặc dù số lượng hero khiêm tốn nhưng mỗi hero lại có sự tùy biến rất cao và không chỉ biết đảm nhận một vai trò nhất định. Bởi tùy theo cách lên đồ, cách ép tính năng hay cách lựa chọn pet mà người chơi sẽ có trong tay một chiến binh mang phong cách của riêng mình. Cụ thể hơn với cùng 1 hero, bạn được phép chuyển đổi qua lại theo hướng hỗ trợ hoặc tướng chính căn cứ theo tình hình trận đấu.
6 Chỉ được phép chat nội bộ
Có một sự thật hài hước là khi tính năng chat all (cả phe địch lẫn phe ta đều thấy) được kích hoạt, phần lớn chúng đều chỉ là những... câu chửi, chẳng hạn như bảo rằng bên đội đối phương có phần tử hack map. Do vậy mà S2 Games đã quyết định loại bỏ tính năng này ra khỏi Strife để hạn chế việc hai bên ngồi chửi nhau mà lơ là trận đấu, hay gây ra tranh cãi, hiềm khích không đáng có. Giờ đây, kênh chat chỉ có tác dụng với những người ở cùng phe mà thôi.
7 Gà sẽ bất tử
Không giống như DotA, gà (hay courier) trong Strife không thể bị tấn công, do vậy mà bạn sẽ chẳng phải lo bị tái diễn tình trạng mất trắng trang bị nếu vô tình để gà bay qua tầm mắt của phe địch. Song song đó, mỗi thành viên trong đội sẽ có riêng một chú gà, tránh tình trạng tranh giành chỗ trống hay điều khiển lung tung. Dù vậy việc bất tử hóa chú gà cũng phần nào làm giảm đi sự bất ngờ, thậm chí là lật ngược tình thế nếu ngăn chặn được đường tiếp tế trang bị cho tướng địch.
8 Hệ thống pet và ép đồ
Ngoài các trang bị thông thường, Strife còn để game thủ gia tăng thêm sức mạnh bằng tính năng cường hóa, cho phép cộng thêm một số dòng phụ trợ vào món đồ, ví dụ như thêm dòng cộng sinh lực vào trang bị gây sát thương. Tuy nhiên, cũng sẽ có các giới hạn để tránh việc người chơi ép thuộc tính cộng thêm tràn lan. Cùng với đó là hệ thống pet độc đáo lần đầu tiên xuất hiện. Với 9 level cùng 3 bậc tiến hóa, pet sẽ hỗ trợ người chơi rất nhiều bằng cả kỹ năng bị động lẫn chủ động. Mặt khác, cùng tùy theo loại pet được lựa chọn mà bạn có thể thay đổi lối chơi của mình trong trận đấu và thử nghiệm những cách phối hợp khác nhau.
9 Không có chuyện Pay-to-Win
Đối với những game online hoạt động theo kiểu miễn phí, phương pháp thu lợi nhuận thường sẽ là bán cash shop với hàng tá vật phẩm giúp người chơi trở thành “siêu nhân” trong thời gian ngắn, miễn là bạn có đủ tiền đầu tư. Strife không muốn mình lại đi vào con đường này, nên sẽ tạo ra môi trường có sự cạnh tranh công bằng, loại bỏ sự chi phố từ tiền bạc. Về lợi nhuận, trò chơi sẽ chỉ thu tiền bằng cách bán trang phục hoặc một số tùy chỉnh về ngoại hình nhân vật để cho thêm phần mới lạ chứ không hề có các vật phẩm hỗ trợ đặc biệt.
10 Định hướng eSports
Hiện tại sân chơi eSports chuyên nghiệp dành cho các game MOBA đang chứng kiến sự thống trị của Liên Minh Huyền Minh với hàng loạt giải đấu quy mô diễn ra trên toàn thế giới. Song song đó, DotA 2 cũng đang từng bước xây dựng vị thế và trở thành lựa chọn mới đáng giá hơn so với người tiền nhiệm. Vì vậy kế hoạch tấn công vào làng eSports của Strife sẽ gặp phải vô vàn khó khăn. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là Strife chỉ dừng lại ở ngưỡng của một trò chơi thuần giải trí hay thiếu đất dành cho những ai muốn lên chuyên. Trái lại S2 Games muốn tập trung trước hết vào công cuộc xây dựng cộng đồng, sớm hoàn thiện phiên bản chính thức, đặt ra cho mỗi người chơi cái nhìn mới mẻ hơn về thể loại MOBA để từ đó đưa Strife trở thành môn thể thao điện tử mới đầy tiềm năng.
Theo Playpark.vn